
Đó là những ngày hè trên đất Đức – quốc gia tổ chức đăng cai World Cup 1974. Tây Đức sở hữu thế hệ vàng của họ với những Franz Beckenbauer, Gerd Mueller, Sepp Maier… Nhưng trên đất Đức năm ấy còn có Johan “đệ nhất” và Johan “đệ nhị” của Hà Lan. “Cơn lốc màu da cam” cất tiếng cười ngạo nghễ chào cả thế giới bằng bộ óc của HLV huyền thoại Rinus Michels và đôi chân của Johan Cruyff. Khuôn mặt, cánh tay, và dáng dong dỏng cao của Cruyff khi dang tay gọi cả đội quân da cam tràn lên tấn công, đã trở thành một trong những hình ảnh hùng tráng nhất của bóng đá thế giới.
Hà Lan 1974 chơi một thứ bóng đá tấn công quyến rũ, và khi thất bại, họ trở thành kẻ thất bại vĩ đại nhất! Hà Lan 1974 là cái cúi chào lịch sử của xứ sở hoa tulip để bước chân vào vũ đài của những đội bóng “chiếu trên” của thế giới, kéo dài từ năm 1974 cho tới ngày hôm nay. Hà Lan 1974 là cái gì đó dang dở, đẹp đẽ, bi tráng, và một hùng tâm chí khí không thể thực hiện được, dù con đường họ đi qua là một cái gì đó đầy sử thi. Cũng chính Hà Lan năm ấy đã được tác giả Montoki Monma, họa sĩ vẽ truyện Jindo Itto lấy cảm hứng cho đội bóng của “Gulit và Maradona” Geji với khái niệm “Cơn hồng thủy”.
Hà Lan 1974 là dấu ấn của Johan Cruyff. Nhưng trước đó, với việc thượng đế phái ông xuống để thổi bùng lên ngọn lửa nền bóng đá của quốc gia thấp hơn mực nước biển này, ông đã làm được nhiều điều còn hơn thế.
“Total Football” (Bóng đá tổng lực) do sư tổ Jack Reynolds sáng tạo ra, được học trò của ông là Rinus Michels đưa lên hàng thượng thừa. Nhưng người thực hiện tất cả những ý đồ đó của vị HLV huyền thoại này trên sân cỏ là Johan Cruyff, cầu thủ thiên tài sở hữu nhãn quan chiến thuật tuyệt vời, nền tảng thể lực sung mãn trên đôi chân kỹ thuật, một khối óc thông minh điều tiết tất cả lối chơi của cả đội bóng. Sự điều tiết này cực kỳ quan trọng, bởi nguyên tắc sâu xa của bóng đá tổng lực là sự luân phiên thay đổi vị trí, tận dụng khoảng trống qua sự linh hoạt của mỗi cá nhân.
Johan Cruyff với bộ óc thiên tài là người thực thi tất cả để đưa vinh quang về cho Ajax, Hà Lan, và cả Barca. Trước khi ông xuất hiện, bóng đá Hà Lan không có nhiều trọng lượng trên bản đồ thế giới. Sau khi ông xuất hiện, Ajax 3 lần liên tiếp đoạt Cúp C1, ông giành 3 Quả Bóng Vàng Châu Âu và đội tuyển Hà Lan hai lần liên tiếp là á quân World Cup đầy nuối tiếc. Trước khi ông tới Barcelona, đội bóng này vẫn trầm kha trong cơn khát danh hiệu (12 năm chưa biết vô địch quốc gia là gì), khi ông tới với bản hợp đồng đắt giá nhất thế giới thời điểm ấy, Barca trở thành đoàn quân bách chiến bách thắng và vô địch luôn mùa giải 1973-1974. Trước khi ông chính thức bước chân vào làng huấn luyện bóng đá, Barcelona là một gã khổng lồ dang dở trên đấu trường Châu Âu.
Khi ông đưa triết lý huấn luyện tới với La Masia và đưa tư tưởng của ông vào đội bóng này, Barca được xưng tụng như một trong những đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ. Hãy nghe câu nói này:
Nếu khi chúng ta có bóng, đối phương sẽ không bao giờ ghi được bàn.

Chúng ta có thể thấy rất nhiều tính kế thừa của bóng đá từ “Total Football” đến “tiqui-taca”, từ Jack Reynolds sang Guardiola kéo dài gần một thế kỷ. Nhưng Johan Cruyff mới là nhân vật chính cho dòng chảy biến động lịch sử ấy. Như lời tôi nói ở đầu bài viết, vị “thánh” xoay chuyển càn khôn của hai nền bóng đá trong lịch sử. Một cuộc bình chọn diễn ra cuối thập niên 90, ông là cầu thủ xuất sắc nhất Châu Âu chứ không phải Beckenbauer hay Pukas, Zidane…
Hãy nhớ về ông, về chiếc áo số 14, dáng mảnh khảnh, khuôn mặt tuấn tú, mái tóc vàng phủ dài kiểu cổ điển ấy, như nhớ về một trong những cái tên vĩ đại nhất chứ không phải con người của những phát ngôn gây tranh cãi. Hãy nhớ về ông, về đôi chân, về khối óc, về một câu nói không chỉ đúng trong bóng đá, mà còn là một triết lý sống của nhân loại.
Trong tất cả những bất lợi bao giờ cũng có thuận lợi.Chúc mừng sinh nhật thứ 67 của ông, Johan Cruyff (25/04/1947 – 25/04/2014)!

0 nhận xét:
Đăng nhận xét